Giải thưởng kiến trúc Pritzker là giải thưởng cao quý nhất trên thế giới về kiến trúc, được ví tương đương với giải Nobel, đã được trao cho các kiến trúc sư xuất sắc kể từ năm 1979. Năm 2022, giải thưởng này được trao cho một kiến trúc sư người châu Phi – Diébédo Francis Kéré đến từ Burkina Faso.
Diébédo Francis Kéré là người nhận giải thứ 51 của giải thưởng này, kế nhiệm Anne Lacaton và Jean – Philippe Vassal. Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 4 thập kỷ từ khi thành lập, giải thưởng Pritzker tôn vinh một kiến trúc sư đến từ châu Phi. Có thể nói cho tới giờ phút này, không chỉ riêng kiến trúc mà còn nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác, giải thưởng dành cho những người tới từ Châu Phi là những chặng đường gian khó trong sự khắc nghiệt của cả vật chất lẫn tinh thần.

Francis Kéré được sinh ra tại một ngôi làng tên là Gando ở Burkina Faso, châu Phi. May mắn là con trai cả của trưởng làng, Kéré cũng là người đầu tiên được tới trường. Nơi ông tới học là một ngôi trường ở thị xã Tenkodogo, cũng là cơn ác mộng thời thơ ấu đối với Kéré. Do khu nhà dạy học này được xây dựng bằng xi măng nên thiếu sự thông thoáng và ánh sáng cần thiết. Mỗi ngày, trong lớp học, ông và hơn 150 bạn cùng lớp bị mắc kẹt trong một môi trường cực kỳ khắc nghiệt suốt nhiều giờ. Và thử thách đó kéo dài trong 6 năm.
Năm 1985, ông đến Berlin nhận học bổng nghề mộc, ban ngày học lợp mái nhà, làm đồ nội thất và lên lớp trung cấp vào ban đêm. Năm 1945, ông được nhận học bổng tại trường Technische Universität Berlin (Berlin, Đức), ông tốt nghiệp năm 2004 với bằng cấp cao về kiến trúc. Khi đã học thành tài, ông biết mình phải trở về Gando để xây dựng một trường học ở quê nhà. Ông kêu gọi bạn bè đóng góp và tiết kiệm đủ 50.000 USD để trở về.

Công trình đầu tiên của ông là Trường tiểu học Gando tại quê hương, hoàn thành năm 2001, được chính những người dân ở đây xây dựng dưới sự hướng dẫn của kiến trúc sư bằng “các dạng vật liệu bản địa và kỹ thuật hiện đại”. Khi Kéré nói với cộng đồng bản địa muốn xây một trường học, người dân nơi đây rất phấn khởi. Nhưng khi ông nói ngôi trường sẽ được xây bằng bùn, họ rất đỗi kinh ngạc, “Liệu ngôi trường sẽ ra sao khi gặp mưa và lũ lụt?”.
Sau nhiều lần nói chuyện và cho họ xem bản thiết kế, Kéré đã thuyết phục được họ. Và cộng đồng cùng chung tay xây dựng công trình, bắt đầu với những khối đá được đập nhỏ và nghiền thành bột bằng các công cụ thô sơ để làm gạch và lát sàn, cho đến khi kết cấu thô cứng nhường chỗ cho đất sét. Ngoài những bức tường làm bằng gạch đất sét, còn có một mái nhà bằng thiếc rộng để che chắn khỏi mưa gió. Mái nhà thiếc này thực sự được làm từ những thanh thép cực kỳ rẻ tiền, thường chỉ được sử dụng trong nội thất chứ không phải loại dùng trong bê tông xây dựng.

Sự thành công của dự án này đã tăng số lượng học sinh của trường từ 120 lên 700 học sinh, và xúc tác cho các dự án khác như Nhà ở Giáo viên (2004, Gando, Burkina Faso), một Phần thiết kế mở rộng (2008, Gando, Burkina Faso) và Thư viện (2019, Gando, Burkina Faso).



Kiến trúc của Diébédo Francis Kéré là sự hòa quyện tri thức khoa học, công nghệ và truyền thống địa phương một cách bản địa, đặc sắc. Các công trình của ông cũng hướng tới công bằng xã hội, kết hợp các giải pháp sử dụng các vật liệu địa phương một cách thông minh để phù hợp và ứng phó được những khắc nghiệt của khí hậu bản địa.
Ngoài trường học và cơ sở y tế, Kéré cũng thực hiện dự án khác tại Châu Phi bao gồm hai tòa nhà quốc hội: tòa nhà Quốc hội Burkina Faso (Ouagadougou, Burkina Faso) và tòa nhà Quốc hội Benin (Porto – Novo, Cộng hòa Benin); TStarup Lion Campus (2021, Turkana, Kenya), một khuôn viên công nghệ thông tin và truyền thông, Viện Công nghệ Burkina (Giai đoạn I, 2020, Koudougou, Burkina Faso) bao gồm các bức tường đất sét có thể làm mát.


Với lối kiến trúc bắt nguồn sâu xa từ những kinh nghiệp và vốn sống của mình ở Gando, Kéré đã truyền tải văn hóa truyền thống Tây Phi ra thế giới, đặc biệt là thực hành “giao thiếp dưới gốc cây thiêng để trao đổi ý tưởng và trò chuyện”. Trên thực tế, năm 2017 tại Serpentine Pavalion, KTS người Gando đã tưởng tượng ra cấu trúc giống hình cây với một mái nhà tách rời và những bức tường cong được tạo thành từ các mô – đun màu chàm hình tam giác, màu đại diện cho sức mạnh trong nền văn hóa của ông. Bên trong Pavilion, nước mưa được dẫn vào trung tâm, làm nổi bật hiện trạng khan hiếm nước trên toàn thế giới.

Bên cạnh những hoạt động kiến trúc thiết thực ở Châu Phi, ông cũng ghi dấu ấn đáng kể ở Đan Mạch, Đức, ý, Thụy Sỹ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
Một số dự án nổi tiếng khác của ông còn có Xylem Léo Doctors’ Housing (2019, Léo, Burkina Faso), Trường trung học Lycee Schorge (2016, Koudougou, Burkina Faso), Vườn quốc gia Mali (2010, Bamako, Mali) và Làng Opera (Giai đoạn I, 2010, Laongo, Burkina Faso).



Trong sự nghiệp của mình, ông cũng đi thỉnh giảng tại nhiều trường đại học lớn như Trường Đại học Harvard, Trường Kiến trúc Yale. Ông cũng là thành viên danh dự của Viện Kiến trúc Hoàng gia Canada (2018) và Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (2012) và là thành viên điều lệ của Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh (2009).
Nguồn: Kiến trúc Việt.
Quý khách quan tâm đến dự án vui lòng để lại thông tin để có thể cập nhật những thông tin mới nhất về dự án từ Gia Phat Investment.
HOTLINE 0909 846 678
Fanpage: Gia Phat Investment | Facebook